Chủ nhật, ngày 5 tháng 5 năm 2024 Thư điện tử Liên hệ Sơ đồ trang
Bạn thấy nội dung trên Cổng thông tin điện tử xã Định Tiên Huyện Yên Định như thế nào?
482 người đã bình chọn
115 người đang online

KHÁI QUÁT VÙNG ĐẤT VÀ CON NGƯỜI XÃ ĐỊNH TIẾN

100%

Định Tiến nằm ở phía đông huyện Yên Định, cách trung tâm huyện (thị trấn Quán Lào) khoảng 10km. Phía đông giáp xã Định Công, phía nam giáp xã Định Thành, Định Hòa, phía tây giáp xã Định Tân, phía bắc giáp huyện Vĩnh Lộc. Với vị trí địa lý thuận lợi, Định Tiến có điều kiện thuận lợi để khai thác hiệu quả tiềm năng đất đại, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho hiện tại và tương lai.

(Tổng diện tích đất tự nhiên của xã tính đến năm 2010 là 998,92ha, trong đó đất nông nghiệp là 670,67ha (chiếm 67,14% diện tích đất tự nhiên), đất phi nông nghiệp là 313,23ha (chiếm 31,36% diện tích đất tự nhiên), đất chưa sử dụng là 15,02ha (chiếm 1,5% diện tích đất tự nhiên). Đất đai của xã được hình thành chủ yếu từ phù sa của hệ thống sông Mã.)

Một góc sông Mã ở xã Định Tiến

Tổng diện tích đất tự nhiên của xã tính đến năm 2017 là 1014,52ha, trong đó đất nông nghiệp là 692,59ha (chiếm 68,27% diện tích đất tự nhiên), đất phi nông nghiệp là 307,57ha (chiếm 30,32% diện tích đất tự nhiên), đất chưa sử dụng là 14,36 ha (chiếm 1,41% diện tích đất tự nhiên). Đất đai của xã được hình thành chủ yếu từ phù sa của hệ thống sông Mã.

Về địa hình, Định Tiến là xã thuộc khu vực đồng bằng nên nhìn chung địa hình tương đối bằng phẳng, hơi dốc theo hướng từ tây sang đông. Chiều dài địa giới hành chính của xã là 4,7km.

Xã Định Tiến nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa. Hàng năm, chịu ảnh hưởng của 2 mùa rõ rệt. Mùa mưa (bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10) và mùa khô (bắt đầu từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau). Bên cạnh đó, với 2 hướng gió chính là gió mùa đông nam và gió mùa đông bắc cùng sự hoạt động của 5-7 đợt gió tây nam khô nóng mỗi năm, đã có tác động lớn đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong xã.

Định Tiến có nền nhiệt tương đối cao, tổng nhiệt độ trung bình hàng năm từ 8.500-8.600°C. Mùa đông nhiệt độ trung bình từ 16-17°C, những ngày lạnh nhất có khi xuống dưới 10°C. Mùa hè kéo dài từ tháng 6 cho tới tháng 9, với nhiệt độ trung bình từ 28-30°C, nhiệt độ cao nhất có khi lên tới 38-40°C. Nhìn chung, nhiệt độ trong năm tương đối điều hòa, lượng ánh sáng phù hợp với sản xuất nông nghiệp, thuận lợi cho sinh hoạt và đời sống nhân dân.

Độ ẩm không khí trung bình của xã là 85-86%, mùa đông vào những ngày hanh khô độ ẩm xuống thấp tới 50% (thường xảy ra vào cuối tháng 12). Cuối đông sang xuân, vào những ngày mưa phùn độ ẩm lên tới 90% và có thời điểm bão hòa, ẩm ướt (thường xảy ra vào cuối tháng 2,3) nên dễ phát sinh sâu bệnh gây hại cho cây trồng.

Nhìn chung, khí hậu của xã Định Tiến thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, có một số thời điểm, thời tiết diễn biến bất thường, không thuận lợi cho sản xuất như các đợt rét đậm, rét hại, gió tây nam khô nóng, bão lũ... gây khó khăn cho sản xuất nên cần phải có những biện pháp chủ động phòng tránh.

Do nằm tiếp giáp với hệ thống sông Mã nên hệ thống thủy văn của xã tương đối dồi dào, thuận lợi cho phát triển sản xuất. Nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp chủ yếu lấy từ sông Mã nhờ 1 trạm bơm có công suất 5.000 m­­­­­­­3/h và 4 trạm bơm, mỗi trạm có công suất đạt 2.000 m­­­­­­­3/h. Hiện nay, hệ thống kênh mương đã được tu bổ và bê tông hóa một số tuyến mương tưới chính, đáp ứng được yêu cầu trong sản xuất. Ngoài ra, xã còn có hệ thống mương WB7 hỗ trợ tốt cho chăm sóc cây trồng của xã, đặc biệt là hệ thống các tuyến kênh mương đi qua vùng quy hoạch làm giống lúa lai F1 đã được kiên cố hóa và làm một số cầu cống mới.

Bên cạnh đó, xã còn có nguồn nước ngầm cung cấp nước sinh hoạt cho người dân thông qua hệ thống giếng khơi và giếng khoan và nguồn nước sạch đang xây triển khai xây dựng.

Ngành kinh tế chính của xã là nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Từ khi thay đổi cơ chế quản lý trong nông nghiệp đến nay, ruộng đất đã được giao cho các hộ sử dụng lâu dài, người nông dân yên tâm đầu tư thâm canh tăng năng suất, sản lượng cây trồng không ngừng được nâng lên đang là động lực mới cho phát triển kinh tế ở địa phương. Trong những năm gần đây, kinh tế của xã đã có nhiều chuyển dịch theo hướng tích cực.

Cánh đồng lúa xã Định Tiến

Hiện nay, hệ thống đường liên xã đã được nhựa hóa. Đường liên thôn dài 11,5km (với mặt đường rộng 5m) được nhựa hóa, cấp phôi hóa, bê tông. Đường trong các thôn xóm dài 33km, mặt đường rộng 2,5-3m đã được bê tông hóa 100%, có hệ thông cống rãnh thoát nước vào mùa mưa. Bên cạnh đó, các tuyến đường nội đồng đã được đắp đất đá... Nhìn chung, hệ thống giao thông ở Định Tiến đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế, sinh hoạt của nhân dân.

Trong công tác giáo dục, toàn xã có 3 trường học với hệ thống nhà tầng được xây dựng khang trang, kiên cố và cả 3 trường được công nhận là trường chuẩn quốc gia, các em trong độ tuổi đều đến trường đạt 100%.

Xã có 1 trạm y tế được xây dựng 2 tầng kiên cố với 5 giường bệnh và một số nhà cấp 4A. Đội ngũ cán bộ y tế của xã gồm: 1 điều dưỡng và 3 y sỹ. Các trang thiết bị y tế luôn đảm bảo cho công tác sơ cứu và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

 Như vậy, điều kiện tự nhiên và hệ thống cơ sở vật chất, kinh tế - xã hội ở Định Tiến là tương đối thuận lợi. Đây là những yếu tố hết sức quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Định Tiến phát triển mọi mặt, phấn đầu đưa xã trở thành một trong những xã tiêu biểu của huyện Yên Định.

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH LÀNG, XÃ:

Định Tiến nói riêng và huyện Yên Định nói chung là một vùng đất cổ, được hình thành và phát triển từ khi sớm. Dựa theo tài liệu khảo cổ học, ngay từ buổi bình minh của người Việt cổ, đây đã là khu vực sinh sống của các bộ lạc. Khi chế độ phong kiến Việt Nam được xác lập, nơi đây cũng đã hình thành nên những xóm làng đông đúc dân cư, kinh tế tương đối phát triển.

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, vùng đất xã Định Tiến ngày nay có các làng: Làng Lang Thôn, làng Mỹ Lộc, làng Duệ Thôn (Quan Yên cũ), làng Yên Thôn, làng Tam Đồng thuộc tổng Yên Định, phủ Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các thôn trên sáp nhập với các thôn của xã Định Tân thành xã Định Tân lớn. Cuối năm 1946, xã Định Tân lại chia thành 2 xã: Đông Yên (Định Tiến ngày nay) và Yên Hưng (Định Tân ngày nay). Yên Hưng thuộc các làng của xã Định Tân sau này. Đông Yên thuộc xã Định Tiến gồm các làng: Tràng Lang, Mỹ Lộc, Duệ Thôn, Yên Thôn và Tam Đồng. Đến năm 1953, xã Định Tân được chia thành 2 xã là Định Tân và Định Tiến. Xã Định Tiến gồm 5 làng: Lang Thôn (còn gọi là Tràng Lang), Duệ Thôn, Yên Thôn, Mỹ Lộc, Tam Đồng và ổn định địa giới hành chính cho tới ngày nay.

Làng Lang Thôn

Làng Lang Thôn là một làng cổ, có từ lâu đời. Hiện nay, phía bắc làng tiếp giáp với sông Mã, phía tây giáp xã Định Tân, phía đông giáp làng Mỹ Lộc, phía nam giáp làng Tam Đồng.

Diện tích của làng khoảng 1km2, được chia làm 3 khu: khu bãi sông, chuyên canh 3 vụ màu/năm; khu dân cư, gồm 2 thôn (xóm); khu chuyên canh 2 vụ lúa và 1 vụ màu đông xuân.

Làng Lang Thôn hiện nay có 23 dòng họ người Kinh cùng sinh sống. Trong đó, có 9 họ Nguyễn, 4 họ Lê, 2 họ Trịnh, 2 họ Cao, 1 họ Phạm Lê, 1 họ Phạm, 1 họ Đào, 1 họ Mã, 1 họ Mai, 1 họ Trương.

Lang Thôn có nhiều công trình, di tích được xây dựng từ lâu đời như chùa Hưng Phúc (năm 968), có bia đá khắc bằng chữ Hán ghi năm Hoằng Định thứ 7, tức năm Bính Ngọ - 1606 đời vua Lê Kính Tông. Qua bia đá cổ cho biết, làng Tràng Lang xưa có 3 xóm nhỏ: Xóm Lang Thôn, xóm Lỗ Thôn, xóm Kênh Thôn. Năm 1820, xóm Kênh Thôn tách khỏi làng Tràng Lang thành làng Kênh Thôn (nay thuộc xã Định Tân). Năm 1936, xóm Lỗ Thôn tách khỏi làng Tràng Lang thành làng Mỹ Lộc. Làng Tràng Lang còn lại 5 ngõ: ngõ Chùa (là ngõ Hưng Phúc), ngõ Giữa (là ngõ Trung Hiếu), ngõ Nhì (là ngõ Đa Hỗ), ngõ Nhất (là ngõ Ninh Nhất), ngõ Đông (là ngõ Đồng Hà).

Khi còn thuộc làng Tràng Lang, theo văn tự khắc trên tấm bia của chùa Hưng Phúc gọi là “Hưng Phúc Cổ tự bi ký” ghi lại như sau: “Chùa Hưng Phúc có từ xa xưa những trải qua năm tháng chùa bị hư hại xuống cấp. Do đó một số người có tâm từ thiện ở trong làng đứng ra quyên góp tiền bạc, công sức không những được nhân dân trong làng, xã hưởng ứng mà còn được các bậc sỹ phu tâm đức trong vùng như quan Cẩm y vệ độ Chỉ huy sứ cùng với phu nhân là Nguyễn Thị Ngọc và bố hiệu là Tuyên Khoa ở Biện Thượng, Võ hầu Lê Phúc Tộ cùng phu nhân ở Đông Biện và nhiều người khác đã dâng tiền của đóng góp trùng tu lại nhà chùa. Tháng 12 năm Giáp Thìn niên hiệu Hoằng Định đời Lê Kính Tông (1604), ngôi chùa được khởi công trùng tu. Tháng 3 năm Ất Tỵ (1605) chùa được tu sửa xong và đến năm Bính Ngọ (1606) thì khắc ghi công đức. Trên bia có câu “An cựu quy mô từ Đại Cồ Việt” có nghĩa là “Theo quy mô cũ từ thời Đại Cồ Việt” thời Đinh – Tiền Lê. Như vậy, từ thời Đinh – Tiền Lê đã có chùa Tràng Lang. Đến năm 1960, chùa Tràng Lang bị dỡ bỏ chỉ còn tấm bia (khắc năm 1606) được bảo tồn nguyên vẹn đến ngày nay.Năm 2010, Hưng Phúc Tự đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh.

Phía bắc làng có tòa nghe thờ quản gia Đô Bác Trịnh Phủ Quân Thượng đẳng tôn thần Thành hoàng của làng, phía đông có võ miếu thờ Trần Hưng Đạo và Quan Công, phía nam có văn miếu thờ vọng Khổng Tử và Chu Văn An. Ngoài đình chùa, làng Lang Thôn còn xây dựng thêm một ngôi đền thờ Thái phó Hà Quốc Công dưới thời Lê Tùng Hưng ở ngõ Đông Hà, Thời vua Minh Mạng, một "1gười con kiệt xuất của dân làng là Tả thị lang Lại bộ thượng thư Phạm Xuân Bích - Người được vua giao trấn biên ải Hà Tiên năm 1833, vua Minh Mạng truy tặng “Trung phụng Đại phu” được thờ tại Huế. Tại quê nhà nhà thờ Phạm Xuân Bích được công nhận là Di tích lịch sử cấp Tỉnh.

Từ xa xưa làng Lang Thôn có truyền thống trọng lão. Bất kể sang nghèo, người cao tuổi nhất trong làng được suy tôn là Tiên chỉ. Ngôi thứ hai về tuổi thọ ở làng gọi là Thứ chỉ, thọ tuổi bằng nhau được gọi là đồng Tiên chỉ hay đồng Thứ chỉ. Quan lại trong làng kính trọng các bậc cao niên theo quan điểm “kính lão đắc thọ” nên những ngày lễ, tết hàng năm có phần cỗ biếu, không may cụ mất thì con cháu phải mổ lợn tạ ơn làng. Hiện nay, truyền thống kính trên nhường dưới tiếp tục được nhân dân trong làng coi trọng và phát huy.

Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tiếp đến là thời kỳ bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, làng Lang Thôn có 49 liệt sỹ, một Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhiều sĩ quan cao cấp quân đội và hàng chục kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo ưu tú đã đóng góp cho công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc, đây đã trở thành niềm vinh dự và tự hào của làng.

Làng Mỹ Lọc

Mỹ Lọc là làng nằm ở trung tâm của xã Định Tiến. Phía bắc giáp làng Lang Thôn, phía đông giáp xã Vĩnh An (huyện Vĩnh Lộc), phía nam giáp làng Duệ Thôn, phía tây giáp làng Tam Đồng.

Cách đây hơn 1000 năm, trên mảnh đất dọc theo hữu ngạn sông Mã này đã hình thành làng cổ Tràng Lang. Tràng Lang xưa có 3 thôn nhỏ là Kênh Thôn, Lang Thôn và Lỗ Thôn - tức làng Mỹ Lọc.

Trước kia, làng Mỹ Lọc có 3 ngõ là Nam Khang, Bắc Thọ và Đoài Ninh, Phụ trách các ngõ của làng là truy trường. Tuy là một làng nhỏ so với một số làng trong tong nhưng Mỹ Lọc là một làng có nhiều người làm cai tổng nhất (3/6 người). Hơn nữa, làng có hương ước rất sớm so với các làng trong xã.

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, làng có 13 dòng họ (trong đó có 3 họ Nguyễn, 6 họ Lê, 1 họ Mai, 1 họ Phùng, 1 họ Trịnh và 1 họ Vũ) với khoảng 130 hộ gia đình và hơn 500 nhân khẩu. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, làng đã tổ chức vận động nhân dân quyên góp được một số đồng vàng cho cách mạng.

Làng có nhiều công trình văn hóa, tín ngưỡng, tiêu biểu như chùa Hoa Nghiêm. Ngôi chùa được xây dựng trên mảnh đất của làng từ xa xưa đến nay không ai còn nhớ rõ). Ngoài ra, làng còn có Nghè thờ Thành Hoàng làng thờ Đông Hải Đại Vương Nguyễn Phục; Phủ thờ Lê Triều đệ nhị công chúa Lê Thị Diệu; có đình làng, có văn chỉ thờ Khổng Phu Tử và tứ phối; miếu thờ Thái giám Hà Quốc Công. Với một hệ thống chùa, phủ, nghè... khá đa dạng như vậy nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau nên đến năm 1960 tất cả các công trình trên đều không còn.

Về lễ hội, hàng năm, làng có 3 lễ tế là Đinh tế (tháng Giêng Âm lịch), tế Phủ (tháng 8 Âm lịch) và tế Chạp (tháng 12 Âm lịch).

Ngày nay, để kế thừa, gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của ông cha đi trước, các thế hệ con em trong làng không ngừng học tập, lao động để xây dựng quê hương giàu mạnh.

Làng Duệ Thôn

Về vị trí địa lý, làng Duệ Thôn phía đông giáp làng Yên Thôn, phía tây giáp làng Mỹ Lọc, phía nam giáp xã Định Thành, phía bắc giáp huyện Vĩnh Lộc.

Duệ Thôn là một vùng đất cổ, nơi đã phát hiện những dấu tích của người Việt cổ. Thời kỳ Bắc thuộc, do có hệ thống giao thông đường thủy và đường bộ thuận lợi nên vùng đất này là nơi đóng trụ sở của bọn cai trị. Khi cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu thất bại, người dân đã lập đến thờ. Để tránh phạm húy, ở Duệ Thôn, tiếng “bà” chỉ được dùng để gọi Bà Triệu còn những người phụ nữ vùng này phải gọi là “mẹ” hay “mẫu”. Trong lịch sử, các vua khi hành quân đánh trận qua đây đều được điềm báo giúp đỡ thắng lợi và bình yên vì thế mà vùng đất này có tên là Quân An. Sau đó, để tránh phạm húy với Thành Hoàng làng Duệ Hiệu Quân An, thôn Quân An được gọi chệch thành Quan Yên. Đến năm 1786, con cháu của họ Trịnh, trong đó có ông Trịnh Thế Đường ở Sóc Sơn (Vĩnh Lộc) chạy sang Duệ Thôn ngụ cư. Khi nhà Nguyễn được thành lập, họ Trịnh được ban nhiều đặc ân, được cấp đất Duệ Thôn làm đất hương hỏa. Vì thế, người dân làng Duệ Thôn suy tôn ông Trịnh Thế Đường làm Thành Hoàng làng. Những người dân bản địa họ Lường cũng đổi thành họ Trịnh.

Bên cạnh đó, làng Duệ Thôn có ông Trịnh Hữu Khiêm là đảng viên đầu tiên của làng. Ông đã tổ chức quay xổ số để gây quỹ ủng hộ Việt Minh, đồng thời đưa thợ rèn về làng để rèn giáo mác cho dân quân du kích đánh giặc.

Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, làng Duệ Thôn có nhiều lượt người lên đường nhập ngũ, trong đó có 11 người hy sinh vì Tổ quốc, 11 thương binh và 3 bệnh binh. Trong đó, làng vinh dự có đồng chí Trịnh Xuân Thiều được Đảng và Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1978).

Với tinh thần lao động cần cù và sáng tạo, ngày nay, cuộc sống của nhân dân Duệ Thôn ngày càng có nhiều chuyển biến quan trọng. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên một cách rõ rệt. Các đường liên xóm, liên thôn và liên xã được tu bổ, sửa chữa và nâng cấp, đảm bảo cho giao thông được thuận lợi. Nhìn chung, cuộc sống của nhân dân đã có bước phát triển, tỷ lệ hộ nghèo của làng ngày càng giảm.

Làng Yên Thôn

Xưa kia, làng Yên Thôn có nhiều tên gọi khác nhau như bản Mường An Sơn, Quân An Sơn, Quan Yên rồi mới tới Yên Thôn như ngày nay.

Theo sử liệu thời Đông Hán, bản Mường An Sơn đã có từ năm 179 trước công nguyên đến năm 280 sau công nguyên. Làng được bao bọc bởi núi, sông. Khi đó, làng có vị trí nằm trong bãi bồi của dòng sông Mã ở phía Bắc, có dãy núi với chiều dài 3km, đỉnh cao nhất khoảng 400m được gọi là dãy núi Quân An Sơn. Phía đông nam của dãy núi là tông Hải Quật, phía đông bắc của dãy núi là làng Quân An Sơn nay được gọi là làng Quan Yên. Trong Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn thời Trịnh Doanh, Trịnh Sâm trong những năm 1740-1786 đã cầm quân đánh giặc và đưa quân ngự tại vùng đất này. Từ đó, làng được đổi tên từ bản Mường An Sơn sang tên làng Quân An Sơn và đến năm 1924 làng vẫn mang tên này.

Trước Cách mạng Tháng Tám, Quân An Sơn nằm trong tổng Yên Định. Sau năm 1945, làng có nhiều biến đổi. Một bộ phận dân cư nhỏ trong làng chuyển lên chân núi lập xóm mới liên kế với làng Mã Đa, gồm 17 hộ, còn đại bộ phận dân làng được chuyển vào nội đế. Từ năm 1953, hình thành 2 xã là Định Tân và Định Tiến. Làng cuối cùng của xã Định Tiến được đổi từ làng Quân An Sơn sang tên làng Quan Yên và ngày nay là làng Yên Thôn.

Theo sử sách, bà Triệu Thị Trinh - nữ anh hùng dân tộc, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống quân Ngô trong thời Bắc thuộc sinh ra tại làng Quan Yên (làng Yên Thôn ngày nay). Bà giỏi võ nghệ, có chí lớn. Năm 19 tuổi, trả lời người hỏi bà về việc chồng con, bà nói: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, cởi ách nô lệ, há chịu cúi đầu làm từ thiếp người ta ư”. Bà cùng anh là Triệu Quốc Đạt chiêu tập nghĩa quân, quyết lòng đánh đuổi quân Ngô cứu nước, cứu dân.

Xưa kia, làng Yên Thôn có ngôi đình 7 gian với cột đình to. Chân cột được kể bằng các viên đá tảng to bằng cối đá do các nghệ nhân trong làng chế tác. Đình làng là trung tâm hội họp việc làng và tổ chức các lễ hội hàng năm như: hội cầu mưa, hội tôn vinh bà Đức Thánh mẫu được tổ chức vào ngày 10 đến ngày 12-2 (Âm lịch), hội kỵ thân được tổ chức vào ngày 14-11 (Âm lịch). Bên cạnh đó, làng có một ngôi đền cổ nằm dọc sông Mã được xây dựng vào năm 1919. Về sau, dân làng đã chuyển ngôi đền lên sườn núi và có tên gọi là Nghè Trúc. Trải qua thăng trầm của lịch sử, ngôi đền chỉ còn lại phần móng; phần mái và tường đã bị tàn phá.

Với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, lớp lớp thanh niên trong làng đã tình nguyện ra chiến trường chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Làng có 12 liệt sỹ, 11 thương binh, 16 bệnh binh và 4 người bị nhiễm chất độc da cam.

Bước vào thời kỳ đổi mới, nhân dân trong làng không ngừng phát huy truyền thống tốt đẹp của ông cha, phấn khởi thi đua lao động sản xuất, góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh.

Ngày nay, Chi bộ Đảng và các đoàn thể quần chúng hoạt động tích cực, có hiệu quả nhằm đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Làng Tam Đồng

Làng Tam Đồng phía bắc tiếp giáp với xã Định Tân, phía tây giáp xã Định Hòa, phía đông giáp làng Yên Thôn, phía nam giáp xã Định Thành. Theo sử sách ghi lại, vua Lê Thánh Tông đã cho phép con cháu họ Vũ khai khân vùng đất 3 trại Đồng Mỗ thuộc đất Động Bàng (xã Định Hòa ngày nay) làm công điền. Trong đó, ông Vũ Đình Nhậm ở trại trên, ông Vũ Đình Tính ở trại giữa, ông Vũ Đình Dũng ở trại dưới. Ba ông đã tập hợp được đông đảo người dân ở các nơi đến tổ chức khai khẩn, lập trại, biến các vùng đồng hoang vắng, rậm rạp thành các chòm, xóm lấy tên là Đồng Mỗ trang. Đến cuối thế kỷ XIX, do có nhiều người học cao, đỗ đạt nên dân làng đã đề nghị với chính quyền lúc bấy giờ xin đổi tên thành làng Tam Đồng.

Khi mới thành lập, làng Tam Đồng thuộc tổng Đông Lý, được chia làm 3 xóm: Tam Đồng Hạ, Tam Đồng Trung, Tam Đồng Thượng. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khi sáp nhập tổng Đông Lý với tổng Yên Định, làng Tam Đồng được sáp nhập vào xã Đông Yên. Năm 1946, 2 xã Đông Yên và Yên Hưng sáp nhập lại thành xã Định Tân lớn. Đến năm 1953, chia thành 2 xã Định Tân và Định Tiến. Từ sau khi tách, làng Tam Đồng thuộc xã Định Tiến và ổn định cho đến ngày nay.

Khi mới hình thành, làng có diện tích nhỏ hẹp khoảng 1km2”, dân số còn ít. Qua năm tháng, bằng mồ hôi, công sức lao động, người dân đã khai hoang, vỡ hóa mở mang diện tích xây dựng cơ nghiệp để mở mang xóm làng. Trong Cách mạng Tháng Tám, làng mới chỉ có 136 hộ với 558 nhân khẩu, đến năm 2010, đã có 365 hộ với 1.570 nhân khẩu.

Trong quá trình xây dựng quê hương, người dân Tam Đồng luôn coi trọng việc học hành, khoa cử. Trước năm 1930, làng đã có nhiều người đỗ đạt như ông Vũ Khắc Dương (tức ông Lư). Ngoài ra, còn có các ông Vũ Văn Bông, ông Vũ Văn Xưởng, ông Vũ Văn Khai, ông Lê Văn Lương...mở lớp dạy học cho dân làng. Trong giai đoạn hiện nay, các thế hệ con em trong làng tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của cha ông, nhiều người đã trở thành những cử nhân, kỹ sư, góp phần làm vẻ vang quê hương.

Từ khi có Đảng lãnh đạo, người dân Tam Đồng một lòng đi theo Đảng, theo cách mạng. Đây chính là cơ sở quan trọng để tổ Đảng làng Tam Đồng được thành lập năm 1948 do ông Đỗ Tiến Ngoãn làm Tổ trưởng, các tổ viên là ông Lê Mai Luyện, Lê Văn Giáo, Vũ Văn Thao. Dưới sự lãnh đạo của tổ Đảng, nhân dân Tam Đồng đã góp phần cùng nhân dân xã Định Tiến nói riêng, cả nước nói chung đánh đuổi kẻ thù, bảo vệ vững chắc quê hương, đất nước. Đặc biệt, trong chiến tranh chống giặc ngoại xâm, làng đã thành lập được một trung đội dân quân du kích với hơn 50 người tham gia, do ông Vũ Văn Thao là Trung đội trưởng, các ông Đỗ Tiến Ngoãn, Vũ Văn Lơn, Lê Văn Giáo làm các Tiểu đội trưởng đã tích cực hoạt động, lập được nhiều chiến công xuất sắc. Nhân dân trong làng luôn tích cực ủng hộ cách mạng, ủng hộ kháng chiến bằng cách tham gia các phong trào cấp dưỡng nuôi quân, ủng hộ lương thực thực phẩm cho bộ đội với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” tiêu biểu như bà Lê Thị Ban (tên thường gọi là bà Bá). Làng Tam Đồng đã quyên góp được hơn 2 tấn đồng để đúc đạn. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, làng đã vận động được 50 người đi phá cầu Si (huyện Yên Định), góp phần ngăn không cho xe địch đi từ phủ Thiệu Hóa về Yên Định.

Trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, làng Tam Đồng đã động viên được 346 người con lên đường chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Trong đó, có 41 người đã hy sinh, 22 người để lại một phần xương máu nơi chiến trường. Trong đó, đã có nhiều gia đình có 2 - 3 thế hệ, 3 -5 người đã lên đường chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Tiêu biểu như mẹ Lê Thị U đã 5 lần tiên con lên đường chiến đấu; các mẹ Vũ Thị Biển, Trịnh Thị Âu, Vũ Thị Khuyếch, Vũ Thị Nhi đã động viên người con trai duy nhất của mình lên đường chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước.

Phát huy truyền thống anh dũng của cha anh, mọi người dân Tam Đồng hôm nay đang quyết tâm lao động sản xuất, xây dựng làng quê giàu mạnh.

Tổng quát, Với vị trí địa lý và các nguồn tài nguyên thiên nhiên cơ bản thuận lợi là tiền đề quan trọng giúp Định Tiến phát triển mạnh về kinh tế, văn hóa cũng như xã hội không ngừng mở rộng các mối quan hệ giao lưu trên mọi mặt với các xã khác trong và ngoài huyện. Đặc biệt trước sự phát triển của kinh tế hiện nay, đây là một lợi thế cộng với nhân tố con người sẽ tạo điều kiện để Định Tiến khai khác có hiệu quả các nguộn lực bên trong, tranh thủ sự ủng hộ những nguồn lực từ bên ngoài để phát triển toàn diện nền kinh tế - xã hội của địa phương./.

Thực hiện: Ban văn hóa xã Định Tiến.

°