Chủ nhật, ngày 5 tháng 5 năm 2024 Thư điện tử Liên hệ Sơ đồ trang
Bạn thấy nội dung trên Cổng thông tin điện tử xã Định Tiên Huyện Yên Định như thế nào?
482 người đã bình chọn
117 người đang online

Định Tiến vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa

100%

Định Tiến, nơi hội tụ nhiều nét văn hóa riêng mang đậm bản sắc dân tộc. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, các thế hệ người dân xã Định Tiến đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách từng bước đi lên cùng với nhân dân các xã trong huyện xây dựng huyện Yên Định là đơn vị Anh hùng thời kỳ đổi mới.

Truyền thống đoàn kết, tương trợ

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, nhân dân Định Tiến luôn yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong sản xuất cũng như trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Truyền thông đó tiếp tục được phát huy cao độ trong thời đại Hồ Chí Minh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Định Tiến cùng nhân dân cả nước vượt qua muôn vàn khó khăn của ngày đầu xây dựng chính quyền non trẻ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, bước tiếp vào cuộc trường chinh cùng cả nước chống thực dân Pháp thắng lợi và đánh đuổi đế quốc Mỹ, thống nhất nước nhà. Hòa bình lập lại, nhân dân Đinh Tiến lại cùng cả nước hăng say xây dựng cuộc sống mới và bảo vệ Tổ quốc. Như vậy, truyền, thống đoàn kết là một nét nổi bật của nhân dân và con người nơi đây.

Truyền thống lao động, sáng tạo

Ngay từ khi mới hình thành xóm làng, người dân Định Tiến luôn phải đối mặt với những khó khăn do thiên tại, địch họa. Do vậy, các thế hệ người dân nơi đây đã sớm hình thành nên truyền thống lao động cần cù, luôn vững vàng trong mọi hoàn cảnh. Điều kiện tự nhiên đã góp phần rèn luyện ý chí và nghị lực cho các thế hệ người dân Định Tiến. Đó là tinh thần chịu thương chịu khó, lạc quan trong lao động sản xuất. Chính truyền thống đó đã góp phần xây dựng khối đoàn kết trong các làng, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Năm 1976-1977, Định Tiến đã thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước về giải tỏa lòng sông Mã. Đảng bộ và nhân dân đã tự lực cánh sinh chuyển 150 hộ gia đình ở ngoài đê vào nội để gồm các xóm: xóm Đông Hà (thuộc làng Lang Thôn), xóm Ngõ Bản (làng Mỹ Lộc), xóm 10 (làng Yên Thôn). Tại 2 xóm này có một số nhà ở hàng trăm năm tuổi cũng di chuyển như: nhà ông Đào Văn Thạc, ông Đào Văn Sính, ông Nguyễn Văn Vược, ông Nguyễn Văn Lĩnh, ông Nguyễn Ngọc Lãm, ông Nguy Văn Dỹ.

Cùng với trồng trọt, chăn nuôi, Đinh Tiến đã sớm tận dụng khai thác những lợi thế về vị trí địa lý và tài nguyên của địa phương, tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, khối đoàn kết đó càng được tăng cường, tạo thành sức mạnh để cộng đồng các làng xóm sinh sống ở Định Tiến vươn lên xây dựng quê hương văn minh, giàu đẹp. Ngày nay nhân dân Tiến đang tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, tạo ra những bước tiến vượt bậc trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển Văn hóa - Xã hội, đảm bảo quốc Phòng - An ninh, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới quê hương theo hướng “Xây dựng nông thôn mới”.

Truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm

Để có được cuộc sống bình yên trong lao động sản xuất, xây dựng quê hương như ngày nay, các thế hệ của xã Định Tiến luôn tiếp nối nhau, cùng nhân dân trong huyện, tỉnh, cả nước đứng lên chống giặc ngoại xâm. Từ năm 1886, phong trào Cần Vương chống Pháp diễn ra sôi nổi và mạnh mẽ. Trong cuộc khởi nghĩa Ba Đình, nhân dân các làng ở Định Tiến tham gia tích cực tiêu biểu như làng Lang Thôn có 11 người tham gia nghĩa binh, trong đó có một số người tử trận như ông Phạm Văn Chùy, Nguyễn Văn Chuyền, Phạm Lệ Khải, Nguyễn Văn Mãn... Cuộc khởi nghĩa Hùng Lĩnh diễn ra, nhân dân Định Tiến đã tích cực hưởng ứng tham gia như ông Trịnh Hương (làng Lang Thôn) được giao làm Đốc vận quân lương; ông Nguyễn Hoán (làng Lang Thôn)... Mặc dù phong trào Cần Vương chống Pháp và các phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX trên cả nước nói chung và ở Yên Định, Định Tiến nói riêng cuối cùng đều bị thất bại, nhưng đây là một mốc lịch sử đáng nhớ đã ghi nhận về tinh thần chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta.

Truyền thống yêu nước của nhân dân xã Định Tiến được bắt nguồn từ những tình cảm bình dị, đơn sơ. Tình cảm đó, ban đầu chỉ là sự quan tâm đến những người thân yêu ruột thịt, rồi đến xóm làng, sau đó phát triển cao thành tình yêu Tổ quốc. Tình yêu quê hương đất nước trong nhân dân là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của quê hương. Nhân dân Định Tiến tự hào về truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm, tinh thần dũng cảm hy sinh trong chiến đấu, vì độc lập, tự do của dân tộc. Những truyền thống đó là di sản quý báu in đậm trong tiềm thức của mỗi người dân nơi đây. Nó đã trở thành động lực cho Đảng bộ và nhân dân xã Định Tiến tiếp tục vươn lên thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Truyền thống hiếu học

Ngay từ nhiều thế kỷ trước, người dân Định Tiến luôn nêu cao truyền thống hiếu học, rất coi trọng sự học. Dưới chế độ phong kiến hà khắc, cuộc sống đói khổ, nhiều người trong các làng của Định Tiến vẫn cho con đi học chữ thánh hiền để hiểu đạo lý, giữ đạo làm người. Với truyền thống hiếu học, Định Tiến đã có những con người thành đạt: Thái sư Đào Cam Mộc, Tả thị lang Lại bộ thượng thư Phạm Xuân Bích…

Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, hưởng ứng lời kêu gọi diệt “giặc đói, giặc dốt” của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Định Tiến đã phát huy mạnh mẽ phong trào bình dân học vụ, xây dựng trường lớp đặt nền tảng cho sự nghiệp giáo dục phát triển trên quê hương.

Đó là một trong những giá trị truyền thống quý báu được hình thành và hun đúc từ dòng chảy lịch sử ngàn đời. Như một dòng chảy không ngừng nghỉ, truyền thống hiếu học, trọng chữ, trọng hiền tài của cha ông được các thế hệ người Định Tiến hôm nay trân trọng, lưu truyền, không ngừng phát huy. Nhân dân xã Định Tiến hiểu được giá trị, sự cần thiết của tri thức trong thời đại đất nước đổi mới, hội nhập, đã và đang tiếp tục quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp giáo dục, tích cực tham gia thực hiện xã hội hóa giáo dục, tập trung đầu tư kinh phí xây dựng trường lớp, bổ sung cơ sở vật chất cho các nhà trường, tạo điều kiện cho con em được học tập, vui chơi trong môi trường tốt nhất. Phong trào khuyến học, khuyến tài nhiều năm qua đã có tác động tích cực nhằm khuyến khích con em vượt khó vươn lên trong học tập, do đó nhiều người trong số họ là tiến sỹ, cử nhân, thạc sỹ, giữ nhiều chức vụ cao trong các cơ quan nhà nước, hàng năm tỷ lệ học sinh khá, giỏi năm sau cao hơn năm trước. Mỗi năm có đến trên 30 em đậu vào các trường Đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Đây là nguồn lực dồi dào, có kiến thức trình độ khoa học tham gia xây dựng quê hương đất nước.

Ban biên tập Cổng TTĐT xã Định Tiến

°