DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA ĐỀN THỜ ĐÔNG HẢI ĐẠI VƯƠNG NGUYỄN PHỤC XÃ ĐỊNH TIẾN, HUYỆN YÊN ĐỊNH, TỈNH THANH HÓA
Đền thờ Đông Hải Đại vương Nguyễn Phục, còn gọi là đền thờ Hoàng Giáp, quan đốc Lương hay đền thờ Đức Thánh Tôn Thần…là những tên gọi nhân dân đặt cho và quen gọi như vậy. Ông là người có công lao với dân với nước, sống dưới triều Lê Sơ. Suốt cuộc đời làm quan ông luôn luôn là người thanh liêm miễn tiệp, dám nói, dám làm lo cho đất nước thịnh cường thỏa chí người anh hùng quân tử. Nhờ tính ngay thẳng, lòng yêu mến nhân dân Nguyễn Phục đã chiếm được lòng yêu ái của nhân dân và triều đình. Nhân dân các vùng ven biển và những nơi nhờ ơn trạch của ông đã lập đền thờ tưởng nhớ công đức của ông, trong số đó có đền thờ ở làng Mỹ Lộc, xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.
Đền thờ Thần hoàng Đông Hải đại vương Nguyễn Phục là di tích lịch sử văn hóa xứ Thanh nói chung, huyện Yên Định nói riêng. Đền nằm trên địa bàn làng Mỹ Lọc, xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Từ xưa (năm 1730) là Lỗ thôn trong xã Tràng Lang, đến năm 1736 thì Lỗ Thôn đổi tên là Mỹ Lộc xã (theo tờ sắc niên hiệu Vĩnh Hựu thứ hai 1736 ngày 29 tháng giêng năm Bính Thìn hiệu Vĩnh Hựu phong cho cụ Mai Văn Y ghi địa danh: Mỹ Lộc xã, An Định huyện. Nay là thôn Mỹ Lọc, xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.
Chúng ta biết rằng khi Lê Thái Tổ bình định xong quân Minh, lập nên một triều đại mới thịnh trị trong lịch sử triều đại phong kiến Việt Nam, đó là Triều Lê Sơ. Đất nước trở lại thanh bình, nhân dân no ấm trải được hai triều vua Thái Tổ và Thái Tông. Thế rồi đất nước trở nên loạn lạc sau vụ án Lệ Chi Viên dẫn đến cái chết oan uổng của đại thi hào, nhà tư tưởng, chính trị, văn hóa Nguyễn Trãi. Bang cơ lên nối lấy niên hiệu Thái Hòa ra sức chấn chỉnh thu nạp hiền nhân mở khoa thi chọn hiền tài, trong số đó có Nguyễn Phục.
Nguyễn Phục là người Đoàn Tùng, huyện Gia Lộc, xứ Hải Dương vào khoa thi năm Quý Dậu niên hiệu Thái Hòa thứ 11 (1445) ông ra ứng thí đồ đệ nhị giáp tiến sĩ, giữ chức Hàn lâm viện, tham nghị chính sự viện. Nguyễn Phục là người văn võ song toàn. Suốt cuộc đời làm quan Nguyễn Phục luôn là người hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng đại của triều đình và được triều đình trọng dụng. Nhờ có công lao mà ông được thăng lên thừa tuyên tham nghị Thanh hoa. Nguyễn Phục lại là bậc thanh liêm ngày thẳng, dám nói thật không sợ liên lụy đến mình. Ông một lòng thương mến dân lành, nương nhẹ việc xử phạt nên đã bị nhà vua xét tội về việc không xét phạm nhân nhanh để tội ứ đọng chỉ vì chưa rõ nguyên cớ.
Mặc dù trong suốt thời gian làm quan, Nguyễn Phục đã được thăng, giáng nhiều lần. Công lao của ông đã được quốc sử ghi chép rất cụ thể, rõ ràng và được nhiều người biết đến. Không may cho số phận Nguyễn Phục đã bị nhà vua phán sai lầm trong trận vua Thánh Tông mang quân đi chinh phạt bọn Trà Toàn nước Chiêm câu kết quân Minh đến đánh nước ta. Vua Thánh Tông phong cho Nguyễn Phục làm cẩm y vệ, đô chỉ huy sứ coi việc đốc lương. Trong khi đoàn thuyền lương bị sóng đánh cản trở nên đến trễ hẹn, Nguyễn Phục phải chịu quân pháp.
Sau khi ông mất nàng hầu Mỹ Da mang linh cửu ông đưa về an táng ở làng Cổ Đà, Mào Cá, huyện Yên Mô gần nơi ông đóng thuyền lương đợi ngày vượt cửa biển Thần Phù rồi ở lại đó trông nom phần mộ.
Về truyền thuyết nhân vật Nguyễn Phục, sách thần tích Việt Nam ghi rõ: khi vua chiến thắng Chiêm thành trở về, trên đường trở về gặp gió to sóng lớn, biển động rất mạnh khiến cho thuyền không đi được. Một đêm nhà vua thao thức tai nghe gió gào sóng dậy, trằn trọc không sao ngủ được. Vua sực nhớ thuyền lương trễ kỳ hạn là do sóng lớn gây ra, trong lòng hối hận thương đốc lương quan bị thác oan. Trong lúc mơ màng, vua thấy ông nhung trang chỉnh tề đứng trước giường ngự tâu rằng: kẻ hạn thần cảm ơn tri ngộ của bệ hạ nên dẫu thác linh hồn vẫn theo ra chiến trận, nay nhờ hồng phúc quốc gia, bệ hạ dẹp xong Chiêm khấu, hạ thần lại xin theo hộ giá khải hoàn.
Vua Lê chợt tỉnh trông ra vừng đông đã hửng sáng, biển lặng, sóng yên, đại quân vượt biển trở về yên ổn. Vua Lê Thánh Tông truy phong đốc lương quan Nguyễn Phục tước Đại vương biển đông hải, làm phúc thần làng Cổ Đà làm nơi chính sở phụng thờ hương hỏa. Để tưởng nhớ đức trạch của ông nhân dân các làng ven biển xin tấu triều đình sắc cho phụng thờ làm thành hoàng của làng hoặc vị thần giúp dập bản dân. Trong số đó có đền thờ xã Mỹ Lộc huyện An Định (nay là thôn Mỹ Lọc, xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa).
Thông qua lịch sử nhân vật Nguyễn Phục chúng ta thấy rằng Nguyễn Phục là người đức trí tài năng văn võ song toàn. Trong các đạo sắc phong ở Cổ Đà nơi bản miếu chính sở từ hương hỏa của ông và ở thôn Mỹ Lọc nêu rõ sự hiển linh của thần, nêu cao sâu sắc ý nghĩa của việc thờ tự Đông Hải Đại vương Nguyễn Phục, cũng như về ý niệm tình cảm thiêng liêng của nhân dân đối với Ngài trong việc lưu giữ tôn trọng truyền thống cội nguồn lịch sử văn hóa dân tộc.
Đền thờ Đông Hải Đại vương Nguyễn Phục ở thôn Mỹ Lọc, xã Định Tiến, huyện Yên Định là một di tích lịch sử văn hóa có giá trị về tinh thần, truyền thống dân tộc trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Tất cả các triều về sau đều dương oan và ngưỡng mộ tài trí của ông, nhằm phát huy truyền thống vẻ vang nòi giống Lạc Việt.
Với ý nghĩa to lớn trên Di tích Đền thờ Đông hải đại vương Nguyễn Phục xã Định Tiến, huyện Yên Định được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 98/QĐ-VHTT, ngày 23/3/1999 của Giám đốc Sở văn hóa thông tin tỉnh Thanh Hóa.
Theo lý lịch di tích Đền thờ Đông Hải đại vương Nguyễn Phục xã Định Tiến, huyện Yên Định thì kiến trúc của ngôi đền vẫn có ngôi tiền đường 5 gian, hậu cung. Nhưng trên thực tế trải qua quá trình thay đổi của lịch sử, các hạng mục di tích đã bị phá hủy vào năm 1980. Hiện trạng thực tại của Di tích chỉ còn phần nền móng của ngôi đền. Phần tiền đường của Đền đã bị phá hủy từ trước khi di tích được công nhận là di tích lịch sử- văn hóa cấp tỉnh. Chính quyền và nhân dân đã bảo tồn hiện trạng di tích như vậy từ trước đến nay, không có sự can thiệp hay phá hủy hiện trạng di tích.
Các hiện vật còn lại của di tích cũng đã được bảo vệ, gìn giữ đến hiện tại như tảng đá, bia đá.
Đền thờ là nơi gửi gắm tâm linh của nhân dân trong thôn, đồng thời để bảo tồn giá trị di tích lịch sử văn hóa của Đền, năm 1999 được sự quan tâm của chính quyền địa phương cho phép nhân dân và cán bộ thôn Mỹ Lọc đã cùng nhau cung tiến và xây dựng lại phần hậu cung để làm nơi thờ tự. Và được sử dụng đến nay.
Nhằm phát huy giá trị của di tích, các cấp chính quyền địa phương và nhân dân trong thôn Mỹ Lọc đang có những kế hoạch xúc tiến việc trùng tu, tôn tạo lại di tích trong thời gian sớm nhất.
2. Hiện trạng sử dụng đất tại Đền thờ:
* Theo bản đồ khoanh vùng di tích lịch sử văn hóa và Biên bản đề nghị xếp hạng di tích (Bản đồ 299 lập ngày 10/6/1985):
Di tích đền thờ thần hoàng Đông Hải Đại Vương Nguyễn Phục xã Định Tiến có vị trí tại tờ bản đồ số 01, thửa 592A, diện tích 2100 m2.
* Theo bản lý lịch di tích lịch sử văn hóa do bảo tàng tổng hợp Thanh Hóa lập ngày 15/10/1997:
Di tích đền thờ thần hoàng Đông Hải Đại Vương Nguyễn Phục xã Định Tiến có vị trí tại tờ bản đồ số 01, thửa 592A, diện tích 3680 m2.
* Theo hồ sơ đo đạc địa chính năm 2005 xã Định Tiến:
Di tích đền thờ thần hoàng Đông Hải Đại Vương Nguyễn Phục xã Định Tiến có vị trí tại tờ bản đồ số 06, thửa 36, diện tích 2040 m2.
* Theo hồ sơ đo đạc địa chính năm 2013 xã Định Tiến:
Di tích đền thờ thần hoàng Đông Hải Đại Vương Nguyễn Phục xã Định Tiến có vị trí tại tờ bản đồ số 25, gồm các thửa 01 và 43, diện tích 1913,5 m2 + 1513,7 m2 = 3427,2 m2
* Theo kết quả kiểm tra hiện trạng sử dụng đất của di tích đền thờ thần hoàng Đông Hải Đại Vương Nguyễn Phục xã Định Tiến ngày 06/02/2023 giữa Sở văn hóa thể thao & Du lịch tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện Yên Định và UBND xã Định Tiến hiện trạng thửa đất cũng như hình thể thửa đất đồng nhất với đo đạc 2013.
Khu đất trên đo thực tế có diện tích là 3427,2 m2 là đúng với số liệu đo đạc năm 2013. Diện tích khu đất có chênh lệch tăng so với với bản đồ khoanh vùng di tích lịch sử văn hóa và Biên bản đề nghị xếp hạng di tích (Bản đồ 299 lập ngày 10/6/1985) là 1327,2 m2, việc tăng diện tích khu đất là do khi khoanh vùng di tích lịch sử văn hóa và Biên bản đề nghị xếp hạng di tích chưa đo hết diện tích của khu đất theo hiện trạng từ xưa.
Qua kiểm tra theo dõi thửa đất này lâu nay đang sử dụng ổn định, hợp pháp, mốc giới sử dụng đất giữa các thửa giáp ranh từ trước đến nay không thay đổi; hiện tại không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch, không lấn chiếm đất của tập thể và các hộ khác xung quanh, không cơi nới; không chuyển nhượng, cho tặng hay nhận chuyển nhượng cho tặng đất với các hộ khác. Việc tăng diện tích được xác định nguyên nhân là sai số trong quá trình đo đạc qua các thời kỳ, phần diện tích tăng được xác định là đất di tích của đền thờ. Thực tế vị trí và diện tích đền thờ vẫn giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất từ trước đến nay không thay đổi.
Một số hình ảnh về di tích: