Nghè Trúc nơi thờ Thần Quản gia Đô bác và phối thờ Bà Triệu, xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.
Nghè Trúc thuộc làng Quan Yên (thôn Yên Thôn), xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, là nơi thờ Quản gia đô bác Trịnh phủ quân tôn thần và phối thờ bà Triệu vị anh hùng liệt nữ của dân tộc ta.
Nghè Trúc (Nơi thờ Quản gia Đô Bác và phối thờ Bà Triệu) được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh tại (Quyết định số 431/QĐ-UBND ngày 31/01/2013 của UBND tỉnh Thanh Hóa).
1. Thần tích Vị thần Quản gia Đô Bác Trịnh phủ quân như sau:
Căn cứ theo sách Thanh Hóa chư thền lục thì tỉnh Thanh Hóa có 72 nơi thờ thần Quản gia Đô bác Trịnh phủ quân, trong đó có làng Quân Yên, xã Định Tiến, huyện Yên Định ngày nay.
Thần tích chép: Vị thần Quản gia Đô bác nguyên quán người xã Thiên Vực, lộ Vĩnh Ninh (nay đổi thành huyện Vĩnh Lộc), họ Trịnh tên là Ra. Người thông minh mẫn tiệp, trung tín, hình dạng khác người. Vào thời gian vua Đường ý tông niên hiệu Hàm Thông và Hàm Bình (Trung Quốc), vua sai Cao Biền giữ chức Đô hộ sứ chấn giữ nước Nam ta. Cao Biền mệnh danh là Cao Vương đi kinh lý xem xét những vùng sơn kỳ thủy tú, có qua đất lộ Vĩnh Ninh. Tôn thần Trịnh Ra theo ông. Cao Biền nhất mực yêu quý và giao cho đảm nhiệm công việc. Tôn thần không quản mệt nhọc một lòng theo hầu, chuyên tâm lo chu tất mọi việc.
Cao Vương rất mực tin tưởng mới giao cho nhận chức Quản gia nội ngoại chư quân, cần lao lo toan công việc, được tặng mệnh danh là Quản khố (kho). Sau này cáo xin trở về được Cao Vương tặng cho tiền 500 quan. Tôn thần Trịnh Ra nhân đó mà được giàu có. Khi trở về quê hương, thần đem cứu tế cho những gia đình nghèo túng, nhờ đó mà mọi người trong huyện ai nấy đều được ban phát mang nhiều ơn huệ với thần.
Đời cha của Tôn thần Trịnh Ra vốn có thù oán với người làng Thủy Thanh, lâu năm mà chưa phân giải được, nên ngầm có âm mưu sinh lòng báo thù và sinh ra kế đến chơi gia đình ông có nhã ý xin cầu hôn và xin cưới Thị Ba (em gái thần). Vì không nghi ngờ gì nên đã đồng ý gả em gái mình. Thế là mưu kế bước đầu đã được thực hiện, vợ chồng cầm sắc được không lâu thì bất hòa, Thị Ba bèn bị đuổi về nhà. Thị Ba ban đêm một mình trở về, khi đến bến sông thì lúc ấy trời vẫn còn sớm, không có thuyền để vượt sông. Thị Ba bèn trầm mình xuống sông la lớn cho hai anh em đến cứu. Tôn thần Trịnh Ra nghe tiếng la thất thanh khẩn thiết của em gái bèn cùng em trai là Tú dùng thuyền đi cứu em gái, không biết mưu kế của người làng Thủy Thanh chứa chấp binh khí mai phục bên bờ để đợi anh em thần.
Khi về gần bờ cả ba anh em đều bị hại (khi ấy là ngày 14 tháng 11). Thời gian đó là mùa đông thời tiết rét đậm, trời lại quá sớm, không người nào biết. Do vậy xác cứ từ bến sông trôi đi. Thi thể của Tôn thần Trịnh Ra cứ trôi từ ngã ba sông đến bến Chiêu Đức (nay là xã Nhật Chiêu) thì không trôi nữa. Xác trôi đi trôi lại ở đó 5 ngày, người nhà hoảng hốt báo tin cho Cao Biền, Cao Biền thương tiếc cho mai táng ở núi Chiêu Đức theo kiểu thượng sàng hạ mồ, nhân đó lập miếu ở trên mộ tặng phong là: Quản Gia Đô Bác Thần Vương, mãi mãi sùng bái hương hỏa. Nhân việc đó, nhân dân các vùng ven sông lập đền thờ cúng, mỗi khi cầu đảo lại có linh thiêng ứng nghiệm.
Đến cuối triều Trần, Hồ Quý Ly xây thành Tây Đô (nay là huyện Vĩnh Lộc, khi đang xây bỗng gặp một người hình mạo khôi ngô, mình mặc áo lụa mỏng, đầu đội mũ đên đứng trước mặt vua Hồ nói rằng: nay thiên hạ đã đại định, triều Trần nhà vua uy đức không đủ tỏa sáng để cứu vớt sinh dân lầm than khổ cực. Nói xong thì không thấy đâu nữa. Vua Hồ sợ hãi liền chiêu gọi dân trong thôn bản hỏi rõ sự việc. Vua Hồ ban lệnh cho sửa chữa đền thờ, gia phong cho mỹ tự.
Đến triều Lê mở vận, thảo bình giặc Ngô, diệt trừ giặc Mạc lập nên triều Lê Trung hưng, thần đều âm phù trợ giúp rất nhiều, công tích nổi khắp trần gian được gia phong mỹ tự.
2. Nhân vật Bà Triệu
Triệu Thị Trinh (226 - 248) Nữ anh hùng dân tộc, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống quân Ngô trong thời Bắc thuộc. Tên thực là Triệu Thị Trinh hoặc Triệu Trịnh Nương. Sử cũng gọi là Nhuỵ Kiều tướng quân, hay Lệ Hải bà vương, quê thanh Hóa ở làng quan yên, Cửu Chân bên bờ sông mã xưa kia tại khu xóm chín thuộc làng quan yên để nhớ công lao to lớn của vị anh hùng là người con được sinh ra tại làng quan yên xưa kia dân làng đã lập đền thờ bà triệu tại làng khu xóm chín, ngày giỗ bà dân làng tổ chức vào ngày 21/2 (âm lịch) hàng năm. Sau năm 1960 do quá trình thời gian đất nơi đây bị lũ lụt hàng năm nên đã bị sói mòn lỡ đất cuốn theo nhà cửa và cùng đền thờ của bà nên nhân dân đành phải đưa ngự bà lên phối thờ cùng ngài Quản gia Đô bát (tức là thành hoàng làng) trên núi Quan yên ngày nay, gọi là Nghè Trúc ngày nay, còn dân làng chuyển vào trong đê để ở nay thuộc làng Quan Yên, vùng núi Quan Yên, xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Ngày nay vẫn còn nhiều dấu tích để lại, hàng năm dân làng Quan Yên vẫn tổ chức ngày lễ của bà theo phong tục tập quán như xưa.
Thủa nhỏ, cha mẹ mất sớm, bà ở với anh là Triệu Quốc Đạt, một hào trưởng lớn có khí phách, đức độ, và thế lực ở vùng núi Quân Yên, huyện Cửu Chân; nay thuộc xã Định Tiến yên Định (Thanh Hóa). Bà giỏi võ nghệ, có chí lớn. Năm 19 tuổi, đáp người hỏi bà về việc chồng con, bà nói: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, cỡi ách nô lệ, há chịu cúi đầu làm tì thiếp người ta ư?. Bà cùng anh là Triệu Quốc Đạt chiêu tập nghĩa quân, quyết lòng đánh đuổi quân Ngô cứu nước, cứu dân. Người chị dâu có ý phản động toan tố cáo với giặc, bà cương quyết giết đi.
Năm Mậu Thìn 248, cuộc khởi nghĩa bùng nổ. Giữa lúc chiến đấu ác liệt với quân Ngô, anh Bà là Triệu Quốc Đạt đột ngột lâm bệnh rồi mất, bà vẫn tiếp tục chỉ huy dân quân đánh đuổi giặc. Tướng Ngô là Thứ sử Lục Dân dùng của cải quyến tước mua chuộc một số tù trưởng khiến một số người rời bỏ cuộc chiến, rồi đem quân đàn áp nghĩa quân dữ dội. Thất bại, bà chạy đến xã Bộ Điền (nay là Phú Điền, huyện Mĩ Hóa) tử đâm cổ hi sinh, hưởng dương 22 tuổi, (có sách chép bà hi sinh trên đỉnh núi Tùng). Nay là xã Phú Điền, tỉnh Thanh Hóa có đền thờ bà. Về sau Lý Nam Đế (Lý Bôn) có lập miếu thờ bà và truy phong là Bật chính anh hùng tài trinh nhất phu nhân.
Ngày nay, ở Thanh Hóa vẫn còn lăng Bà Triệu với hội thờ vào ngày 21-2, tương truyền là ngày mất của người nữ anh hùng. Bà Triệu, hay nàng Trinh (Triệu Trinh Nương, Triệu Thị Trinh) của truyền thuyết dân gian người dân Quan Yên, quận Cửu Chân. Quan Yên, trái núi đó vẫn giữ tên gọi ấy cho đến tận ngày nay, đứng sừng sững bên bờ sông Mã gần ngã ba Bông, thuộc địa phận xã Định iến , Tiến Huyện Yên Định của tỉnh Thanh Hóa. Có truyền thuyết "Đá biết nói" như sau: trên núi quan yên này có đàn voi có con voi trắng một ngà rất dữ tợn hay về phá hoại mùa màng, mọi người đều sợ. Để trừ hại cho dân, Bà Triệu cùng chúng bạn đi vây bắt voi, lùa voi xuống đầm lầy (vùng đất đá bạc ven nuối quan yên, ngày xưa là vùng xình lầy lội ) rồi dũng cảm nhẩy lên cưỡi đầu voi và cuối cùng đã khuất phục được con voi hung dữ. Chú voi trắng này sau trở thành người bạn chiến đấu trung thành của Bà Triệu. Nghĩa quân Bà Triệu, những ngày đầu tụ nghĩa, đã đục núi Quan Yên, bí mật cho người ngồi trong hốc đá,thuộc hang đá nhà và hang kén, hang lau của nuối đá quan yên nay vẫn còn di tích đọc bài đồng dao:
Có bà Triệu tướng,
Vâng lệnh trời ta.
Trị voi một ngà,
Dựng cờ mở nước.
Lệnh truyền sau trước,
Theo gót Bà Vương.
Nhờ đó cả vùng đã đồn ầm lên rằng núi Quan Yên có đá biết nói, báo hiệu cho dân chúng biết Bà Triệu là "thiên tướng giáng trần" giúp dân, cứu nước.
Vì vậy hàng ngũ nghĩa quân thêm lớn, thanh thế thêm to. Rồi Họ kéo nhau xuống Phú Điền dựng căn cứ. Trung tâm tụ nghĩa là vùng núi Tùng Sơn (Phú Điền). Đây là một thung lũng nhỏ nằm giữa hai dãy núi đá vôi thấp, dãy phía bắc (Châu Lộc) là đoạn núi chót ngăn cách hai tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình cũ, dãy núi phía nam (Tam Đa) là đoạn chót của dải núi chạy dọc sông Mã. Chân phía bắc núi Châu Lộc là sông Lèn, chân phía nam núi Tam Đa là sông Âu, xưa là một dòng sông lớn. Thung lũng mở rộng cửa về phía đồng bằng ven biển và bị chặn ngang về phía tây bởi dòng sông Lèn. ở căn cứ này, ngược sông Lèn có thể liên lạc với miền quê Bà Triệu. Là địa điểm gần biển, lại là cửa ngõ từ đồng bằng miền bắc vào Thanh, đó là một vị trí quân sự hiểm yếu, thuận lợi cả công lẫn thủ. Ở đây còn có núi Chung Chinh với 7 đồn lũy tương truyền là quân doanh của Bà Triệu, nơi đã từng diễn ra trên ba chục trận đánh với quân Ngô. Dưới chân núi Tùng, còn có cánh đồng Lăng Chúa (lăng Bà Triệu), đồng Vườn Hoa, đồng Xoắn ốc... tương truyền là tên cũ còn lại khi Bà Triệu đắp lũy xây thành. ở đây còn lưu hành rộng rãi truyền thuyết về ba anh em nhà họ Lý đi tìm Bà Triệu, rước Bà từ quê ra đây dựng doanh trại, sửa soạn khởi nghĩa và tôn Bà làm chủ tướng.
Cảm phục chí khí hiên ngang cứu nước của người con gái hai chục tuổi đời, dân chúng Cửu Chân theo phục Bà rất đông. Các thành ấp của giặc Ngô đều bị triệt hạ, quan lại giặc từ thái thú đến huyện lệnh, huyện trưởng, kẻ bị giết, kẻ chạy trốn hết. Từ Cửu Chân, cuộc khởi nghĩa lan ra Giao Chỉ ở ngoài bắc. Thứ sử Giao Châu mất tích!Một câu nói, tương truyền là lời Bà Triệu phát ra trên núi nghĩa, nghìn thu còn vang vọng mãi: "Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang san, cởi ách nô lệ chứ tôi không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta!"
Rất nhiều câu chuyện về tình dân với khởi nghĩa Bà Triệu. Đây một ông già mù miền núi đã đi khắp nơi, dùng tiếng đàn, giọng hát của mình để ngâm ngợi cổ vũ dân chúng đứng dậy cứu nước; kia một bà cụ hàng nước cố xin cho con gái được theo quân giết giặc, còn mình thì giúp cả chõng chuối với chum nước chè xanh cho nghĩa binh đang trẩy quân qua giải khát. Dọc sông Mã. Vùng quan yên có truyền thuyết nói rằng: thời xưa sông Mã có một nhánh chảy xuống qua nhánh sông đền Hàn về cửa Lạch Trường. Đó là nơi quân Ngô chiếm giữ, chiến thuyền san sát như lá tre. Một chàng trai đã ăn trộm ngựa chiến của quân giặc trốn về với Bà Triệu và trở thành dũng tướng của nghĩa quân. Trong một trận giao tranh trên sông nước, vì anh đi chân vòng kiềng nên đã vấp phải dây chằng mà tử trận. Giặc Ngô đang ăn mừng thắng lợi thì hai bờ sông chuyển động. Đất trời nổi cơn giận dữ, hắt rừng cây núi đá xuống lấp cạn dòng sông, chôn vùi cả mấy vạn xác thù...Lại có câu chuyện đền Cô Thị ở xã Hà Ngọc (Hà Trung). Một cô gái rất thích quả thị, chờ đợi người yêu đi đánh giặc và khi chết biến thành cây thị. Cây thị này chỉ có một quả, không ai hái được, vì hễ ai thò tay bẻ thì cành thị lại tự dưng vút hẳn lên cao. Cành ấy đời đời ngả về phía đông nam theo hướng người yêu của cô đang ở trong quân dinh Bà Triệu. Một ngày thắng trận, chàng trai được phép Bà Triệu về thăm làng xóm thì cành cây mới chịu sà xuống và quả thị rơi vào ống tay áo của chàng....Đứng trước nguy cơ tan rã của chính quyền đô hộ ở Châu Giao, triều Ngô phải cử viên danh tướng Lục Dận (cháu họ viên danh tướng Lục Tốn) làm thứ sử Giao Châu, An Nam hiệu úy, đem khoảng 8.000 quân sang Giao Châu đàn áp nhân dân khởi nghĩa. Kết hợp dùng binh lực uy hiếp, dùng mưu mô dụ dỗ, dùng của cải mua chuộc, Lục Dận đã khiến được ba nghìn hộ ở Cao Lương (Hợp Phố) dưới quyền thủ lĩnh Hoàng Ngô đầu hàng. Sau đó, Lục Dận thận trọng tiến binh vào Giao Chỉ và Cửu Chân, khi phát quân đàn áp, khi dừng quân dùng của cải, tiền bạc mua chuộc các thủ lĩnh địa phương. Rút cục, hàng trăm thủ lĩnh nghĩa quân và hơn năm vạn dân đã phải chịu thua quân Ngô.
Truyền thuyết dân gian kể rằng: Bà Triệu đã chiến đấu chống giặc Ngô, trên ba mươi trận thắng lợi. Giặc gọi tên bà là Ngụy Kiều tướng quân (Vị tướng nữ yêu kiều), là Hệ Hải bà vương (Vua bà vùng quan yên). Quân Ngô sợ bà, thường có câu:
Hoành qua đương hổ dị,
Đối diện Bà Vương nan.
(Múa ngang ngọn dáo dễ chống hùm,
Đối mặt Vua Bà thì thực khó).
Cũng theo truyền thuyết dân gian, về sau có kẻ phản bội, mách với Lục Dận rằng Bà là nữ tướng "ái khiết úy ô" (yêu cái trong sạch, ghét cái nhơ bẩn). Quân Ngô liền trần truồng tiến đánh Bà. Bà hổ thẹn, giao binh cho 3 tướng họ Lý, lên núi Tùng tự vẫn.
Trên núi Tùng hiện có mộ Bà Triệu và dưới chân núi Tùng là đền thờ chính của Bà Triệu. Hội đền hằng năm ngày trước vào ngày 21 tháng hai âm lịch. Khởi nghĩa Bà Triệu thất bại, nhưng hình ảnh người con gái kiên trinh bất khuất, người nữ anh hùng dân tộc siêu việt quyết nối chí Bà Trưng "giành lại giang san, cởi ách nô lệ" muôn thuở không mờ trong tâm trí phụ nữ và dân tộc Việt Nam.
Tùng Sơn nắng quyện mây trời,
Dấu chân Bà Triệu rạng ngời sử xanh.
(Thơ ca dân gian)
Năm 2017, Di tích đã được trùng tu, chống xuống cấp 300 triệu từ NSNN.
Hiện nay, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy về việc nâng cao công tác quản lý di tích trên địa bàn huyện. Đối với Di tích Nghè trúc đã thực hiện việc lập hồ sơ dự án để phục dựng lại Đền thờ Bà Triệu xứng danh với công lao đóng góp của Bà trong lịch sử dân tộc và đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.
Nhằm tri ân, tôn vinh anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Khơi dậy và nêu cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần giáo dục và phát huy truyền thống yêu nước và đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Ngày 21/2 âm lịch hằng năm, tại Nghè Trúc thôn Yên Thôn, xã Định Tiến tổ chức lễ kỷ niệm ngày mất của Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh (22/2 năm Mậu Thìn 248).
Tại buổi lễ, các đại biểu cùng đông đảo nhân dân xã Định Tiến và du khách thập phương đã ôn lại truyền thống dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc Việt Nam, ôn lại thân thế, sự nghiệp và công lao to lớn của nữ tướng Triệu Thị Trinh, bày tỏ lòng thành kính tri ân đối với vị nữ anh hùng dân tộc, người đã lãnh đạo nhân dân ta khởi nghĩa chống ách cai trị của quân xâm lược phương Bắc năm 248. Triệu Thị Trinh, mà dân gian gọi là Bà Triệu, hay Triệu Trinh Nương, sinh ngày 02 tháng 10 năm Bính Ngọ (226) tại miền núi Quan Yên, quận Cửu Chân, nay thuộc xã Định Tiến, huyện Yên Định. Dân gian truyền lại rằng, từ nhỏ, Triệu Thị Trinh đã tỏ ra là người mạnh mẽ, thông minh, tài sắc khác thường. Năm 17, 18 tuổi, Triệu Trinh Nương cùng anh là Triệu Quốc Đạt chiêu mộ trai tráng, tập hợp quân sĩ dấy binh khởi nghĩa ở đất Quan Yên, được dân chúng khắp vùng nô nức tham gia. Ngày này, vùng đất này vẫn còn lưu truyền nhiều huyền thoại về nữ anh hùng.
Ngày giỗ của Bà còn là dịp để Nhân dân xã Định Tiến thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, tâm linh và tôn vinh truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc Việt Nam.
Một số hình ảnh về di tích: