image banner
DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA NHÀ THỜ PHẠM XUÂN BÍCH

DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA NHÀ THỜ PHẠM XUÂN BÍCH

Nhà thờ Phạm Xuân Bích được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh theo quyết định số 3475/QĐ-UBND ngày 30/9/2010.

1. Địa điểm phân bố và đường đi đến di tích

Nhà thờ Phạm Xuân Bích thuộc làng Lang Thôn, xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

Lang Thôn xưa kia còn có tên là làng Tràng Lang, là một làng nằm trên bờ hữu ngạn sông Mã, chạy dài ven đê theo hướng Tây- Đông khoảng 1500m. Phía Bắc giáp sông Mã, phía Tây giáp xã Định Tân, phía Đông giáp làng Mỹ Lộc (cùng xã), phía Nam giáp làng Tam Đồng (cùng xã).

Thời Lê- Trịnh Lang Thôn có tên là Tràng Lang gồm 3 xóm hợp thành, gồm xóm Kênh, xóm Lang và xóm Lỗ dài hơn 3 km, ứng với ngày nay là từ điếm phòng đê xã ĐỊnh Tân đến bến Rãnh giáp làng Duệ Thôn (xã Định Tiến) nên mới gọi là Tràng Lang (hay làng dài).

Do sự phát triển dân số và mở mang địa bàn hoạt động, năm 1736 đời Lê Ý Tông xóm Lỗ có Minh Vũ tướng quân Mai Văn Y xin nhà vua cho lập làng mới đặt tên là làng Mỹ Lộc. Đến thời Gia Long (Triều Nguyễn), xóm Kênh tách khỏi làng gốc lập thành làng Kênh, xây dựng đình mới, còn chùa, nghè vẫn chung với làng cũ. Hơn 200 năm trở lại đây làng Tràng Lang tồn tại 5 ngõ như sau: ngõ Chùa, tên chữ là Hưng Phúc; ngõ Giữa tên chữ là Trung Hậu; ngõ Nhì tên chữ là Đa Lỡ; ngõ Nhất tê chữ là Ninh Nhất; ngõ Đông tên chữ là Đông Hà, sau đổi là Đồng Hà.

Trong làng chia thành 4 giáp: giáp nhất, giáp nhì, giáp giữa, giáp chùa. Đồng thời làng còn có phe Văn và phe Võ:

- Phe Văn: Do các cụ đỗ đạt, có học vị và những người biết chữ lập ra, xây văn chỉ thờ Khổng Tử và Chu Văn An để khuyến khích con cháu trong làng học tập.

- Phe Võ: do các binh sĩ của làng lập ra, xây võ chỉ thờ Quan Công và Trần Hưng Đạo, giúp chính quyền giữ gìn trật tự an ninh, khi đất nước có giặc thì động viên con cháu đầu quân đánh giặc.

Theo quốc lộ 45 về phía Tây khoảng 28 km, đến đầu thị trấn Quán Lào rẽ phải, qua xã Định Tân, dọc theo đê sông Mã là tới di tích nhà thờ Phạm Xuân Bích ở làng Tràng Lang xã Định Tiến.

2. Lịch sử và nhân vật liên quan đến di tích

Theo tài liệu ghi chép, các cụ già và con cháu họ Phạm làng Lang Thôn cho biết: cụ Phạm Xuân Bích có tên là Việm, tên chữ là Xuân Bích, Như Ôn, tên hiệu là Liêm Phong, tên thụy là Trang Khải.

Cụ sinh giờ Tý ngày 24 tháng 10 năm Giáp Dần (1784) đời Lê Hiển Tông. Cụ tính tình hào phóng, cẩn thận, lanh lợi, kiến thức rộng. Năm Tân Tỵ (1821) niên hiệu Minh Mạng thứ 2 mở ân khoa, cụ thi đậu cử nhân, được bổ dụng làm Huấn đạo huyện Nghi Xuân, tỉnh Nghệ An, tri huyện Hưng Hóa, làm chi phủ phủ Vĩnh Tường (thuộc Phú Thọ ngày nay). Ngày 3 tháng 4 năm Minh Mệnh thứ 11 (1830) thăng quyền Lang Trung Công bộ. Ngày 20 tháng 7 năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) chính thức là Lang Trung Công bộ. Ngày 25 tháng 10 năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) thăng Tả thị lang lại bộ. Ngày 17 tháng 11 năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) thăng quyền Hiệp trấn trấn Hà Tiên, thuộc tổng trấn Gia Định. Ngày 12 tháng 10 niên hiệu Minh Mệnh thứ 13 (1832) thăng bố chính sứ, hộ Lý tuần phủ quan phòng tỉnh Hà Tiên. Ngày 11 tháng 10 năm Minh Mệnh thứ 14 (1833) được vua Minh Mệnh truy tặng chức “Trung phụng đại phu Tuần phủ, tòng nhị phẩm”.

Năm 1883 nội tặc cấu kết với giặc ngoại xâm làm phản ở Gia Định. Ông là người có kỷ luật nghiêm minh ra lệnh chống giữ những nơi hiểm yếu, đắp thành, lập trại vừa đánh vừa giữ. Vì ở tỉnh Hà Tiên binh sĩ rất ít ông phải gọi cả tù nhân trong tỉnh xá tội làm thân binh. Lúc bấy giờ giặc đã lấy được ba tinh trong sáu tỉnh Nam Kỳ. Giặc nhiều lần cho thuyết khách đến dụ ông hàng nhưng ông không tiếp. Nhân đó giặc dụ quân lính của ông làm nội loạn. Đêm 23 tháng 6 năm Quý Hợi (1833) niên hiệu Minh Mạng thứ 14 giặc đến vây thành, cụ tuốt gươm hô to giết giặc. Do thế trận không cân bằng, xa triều đình, không có quân tiếp viện, do đó cụ bị giặc chém. Cụ thét lớn và mắng vào giặc không thôi. Cụ mất vào giờ Tý ngày 24 tháng 6 năm Quý Tỵ (1833). Vua Minh Mệnh thương xót truy tặng ông chức Tuần Phủ, cụ được thờ trong miếu trung liệt ở Kinh đô và soạn thành truyện trong Trung thần liệt truyện. Năm 1836 linh cữu đưa từ tỉnh Hà Tiên về án táng tại quê nhà.

Tấm gương Phạm Xuân Bích hi sinh chứ không chịu hàng giặc là bài học quý giá cho quan quân trong nước lúc bấy giờ. Vua Minh Mệnh đã ban cho Phạm Xuân Bích bản chế văn có nội dung như sau:

“Thay trời hành hóa, Hoàng đế truyền rằng:

Trẫm nghĩ bậc thần nghĩa cử thì không sợ khó khăn, gian khổ. Khí tiết của bậc vương giả mãi được ghi nhớ, tôn sùng. Ngài nguyên là quyền Bố chính sứ Hà Tiên, quyền lý tuần phủ quan phòng. Phạm Xuân Bích là người giỏi văn chương, vốn là khoa học mục xuất thân. Nơi công đường từng thi thố tài năng, nhân dân thường ca ngợi và noi theo đức tính tốt của ông. Thường tham dự bàn tính công việc trong bộ, được các bậc công thần khen là mẫn cán, hơn người. Bỗng có biến cố nơi biên thùy, quân giặc bất ngờ chiếm biên thành. Vội vã nhất thời vì nghĩa, lấy sự trinh bạch thầm hứa với đất nước, bồi hồi muôn dặm nối bi âm động tới thể thần. Triều đình cứ theo điển lễ tôn sùng. Nay đặc chuẩn truy tặng ngài là “Trung phụng đại ph Tuần phủ tòng thị phẩm”.

Triều đình cáo mệnh ban thưởng cho ngài có tên thụy là Trang Khải.

Ôi! minh chương còn mãi nơi suối vàng, chính khí trường tồn tạc núi sông, thật linh sảng biết bao!.

Ngày 11 tháng 10 niên hiệu Minh Mệnh thứ 14 (1883)

Dưới triều Nguyễn, Phạm Xuân Bích là một trong số ít quan lại được chính nhà vua có lời chế điếu.

3. Khảo tả di tích

Nhà thờ Phạm Xuân Bích được xây dựng từ năm 1864, quay theo hướng Tây Bắc, có diện tích khoảng 60m2, nằm trên khu đất của ông Phạm Lê Định- hậu duệ đời thứ 7 của cụ Phạm Xuân Bích. Gia đình ông Định cũng được dòng họ Phạm giao trông coi, giữ gìn nhà thờ.

Nhà thờ Phạm Xuân Bích có kết cấu 3 gian, hai vì hồi bít đốc, hai bên bờ bờ giải được kết nối với trụ biểu trước nhà bằng xi măng xây kiểu Tam Sơn.

Kiến trúc gỗ của nhà thờ hình thành trên cơ sở một bộ khung hình hộp.

Hàng cột hiên phía trước vươn lên từ mặt chân tảng để gắn chặt xà, kẻ, bẩy vào đầu cột theo ba chiều của không gian. Xà hiên ở đầu cột hiên và xà đại ở đầu cột con có nhiệm vụ liên kết chặt chẽ hai vì kèo của một gian nhà. Địa thu có chức năng nối các chân cột con với nhau, cũng có chức năng liên kết như các xà để làm cho bộ khung gỗ hình hộp của nhà thờ không biến dạng được trước những sức ép của ngoại lực, nối liền giữa cột con với cột hiên là hệ thống kẻ ngồi. Bẩy là phần đỡ mái, có tác dụng chịu lực chính. Kết cấu bộ khung mái gồm Thượng lương, hoành tải, rui, mè được làm bằng gỗ. Hoành là những xà gỗ dài gác trên bộ vì kèo chạy ngang theo chiều dài công trình. Mái của nhà thờ được lợp ngói vẩy, bờ nóc trang trí trụ đấu và bờ chảy.

- Gian thứ nhất: khoảng cách từ cột quân đến cột cái là 2,2m;

- Gian thứ hai: khoảng cách từ cột cái đến cột cái là 2,3m;

- Gian thứ ba: khoảng các từ cột cái đến cột quân là 2,3m;

Kích thước chân tảng cột: 25cm x 25 cm.

Vì kèo thứ 1 và vì kèo thứ 4 của ngôi nhà được kết cấu theo kiểu thượng chồng rường, hạ kẻ chuyền. Phía dưới bụng lợn là hai trụ tròn được đỡ bởi hai đấu bát, nối liền giữa đầu cột quân tiền với đầu cột cái là Câu đầu. Xà lòng được tạo ra để liên kết giữa cột quân tiền với cột cái, nối liền cột cái với cột quân hậu.

Riêng vì kèo thứ 2 và 3 có kết cấu giống nhau theo kiểu kẻ chuyền. Phía trên cùng giáp nóc là Bụng lợn, trên Bụng lợn là đấu kê đỡ đầu thượng lương. Liên kết bụng lợn và câu đầu là hai trụ tròn dưới có bát đấu. Câu đầu là thanh xà lớn nối đầu cột cái hậu sang trụ trốn). Nối giữa cột cái hậu sang cột quân là xà nách, bọ kèo kẻ chuyền được cấu tạo bằng gỗ dáng cong lên phần trên chuyển qua các đầu cột trụ chịu lực.Từ cột quân trước của các vì kèo nối ra cột hiên là các kẻ bẩy. Phía trên bẩy là hệ thống ván dong chạy liền ra tàu mái, mặt trên ván dong bào phẳng theo chiều dốc mái, có bập các khấc để đặt hoành, mặt dưới lượn theo chiều cong của kẻ.

Nhà thờ được mở bằng 3 cửa, mỗi ô cửa gồm 4 cánh. Cánh thứ 1 và 4 trong mỗi ô cửa hạ liệt, thượng được trổ ô thoáng theo hoa văn hoa thị kép, đường kính của vòng hoa thị khoảng 40 cm. Giữa 4 cánh hoa thị chủ đạo được chạm trổ những cánh hoa phụ. Nhị hoa được mô tả hoa văn hoa cúc kép 4 lớp, thể hiện các tia của ánh sáng mặt trời.

Cánh 2 và 3 tạo theo kiểu thượng song, hạ bản. Con song được tạo theo kiểu thanh vuông kích thước 2cm x 2cm, dài 80cm.

Nhà thờ Phạm Xuân Bích trang trí chủ yếu tập trung ở đầu kẻ ngồi và bẩy. Kẻ và bẩy được trang trí hoa văn kẻ hà- vân mây nhằm tạo ra cho công trình sự nhẹ nhàng, thanh thoát, làm mất đi sự thô cứng cho những khối gỗ của ngôi nhà. Xung quanh nhà thờ  là khu vườn trồng cây ăn quả, phía sau có ao cá, nhờ đó khí hậu của nhà thờ được cải thiện, dịu mát vào mùa hè, tăng độ ẩm khi trời hanh khô.

Khu mộ Phạm Xuân Bích: sua khi ông mất, năm 1836 triều đình nhà Nguyễn cho rước hài cốt của ông về quê nhà. Mộ ông được táng tại cánh đồng Đồi Quang (cánh đồng Quých). Khu mộ được con cháu tôn cao lên ở giữa cánh đồng, xây bằng xi măng, có diện tích khoảng 20m2. Bia mộ được khắc dòng chữ: “Cụ quan Tuấn, ngày mất 24 tháng 6 AL”, khu mộ có tường bao thấp xung quanh. Nhân dân vẫn gọi là mộ cụ quan Tuần (tức quan Tuần phủ Phạm Xuân Bích).

Nhà thờ được nhiều người con của quê hương biết đến và coi đó như một niềm tự hào về miền quê trù phú, giàu truyền thống yêu nước. Đó chính là nền tảng vững chắc để giáo dục những thế hệ trẻ hôm nay phát huy lòng yêu nước, quê hương mình.

Qua nghiên cứu, nhà thờ Phạm Xuân Bích các nhà khoa học có thể đi sâu nghiên cứu văn hóa- lịch sử, kinh tế của vùng đất này. Tìm hiểu việc thờ cúng tổ tiên, phong tục thờ cúng những người có công với nước, với dân. Góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cũng như thuần phong mỹ tục của địa phương. Những tài liệu, sắc phong, hiện vật còn lưu giữ ở nhà thờ là những tài liệu lịch sử  quý giá mà đến nay chúng ta cần biết cách giữ gìn.

Một số hình ảnh của di tích:

Anh-tin-bai
Anh-tin-bai
Anh-tin-bai
Thực hiện: Ánh Tuyết- CCVH
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ ĐỊNH TIẾN - HUYỆN YÊN ĐỊNH -TỈNH THANH HÓA
  • Địa chỉ:  Định Tiến - Yên Định - Thanh Hóa
  • Chịu trách nhiệm nội dung:
  • Người phát ngôn:
  • Email: 
  • Bản quyền thuộc về: UBND XÃ ĐỊNH TIẾN - HUYỆN YÊN ĐỊNH -TỈNH THANH HÓA
image banner
Chung nhan Tin Nhiem Mang